Case: SILICON VALLEY BANK (SVB) phá sản phá sản. Nguồn: bạn Hữu MINH MISA

SILICON VALLEY BANK (SVB) phá sản – phần 1: Mầm mống của khủng hoảng

Ngày 08/03/2023, Silicon Valley Bank (SVB) – ngân hàng có quy mô thứ 16 của Mỹ ra thông báo cần huy động 1.75 tỷ US$ để bù đắp cho phần thua lỗ của mình. Chỉ 2 ngày sau cơ quan chức năng Mỹ tuyên bố đóng cửa ngân hàng với 40 năm lịch sử và 200 tỷ US$ tài sản. Lý do là gì?
SVB = banker của các startup
Đa phần các startup không dễ dàng mở tài khoản và nhận được dịch vụ chăm sóc của các bank truyền thống. Lý do là startup không phát sinh doanh thu ban đầu mà chỉ gửi tiền deposit (mà họ nhận được từ các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC), và rồi hàng tháng/hàng quý chỉ rút tiền ra để chi trả cho mô hình kinh doanh của mình (cash burn) nên banker không có nhiều lợi ích từ các khách hàng này. Đó là thị trường ngách mà SVB đã hướng đến khi thành lập năm 1983.
Để tạo ra lợi nhuận, SVB cho vay (các startup) và phần còn lại là đầu tư. Do việc cho vay startup tiềm ẩn rủi ro nên vào cuối 2022, tỷ lệ cho vay/tiền gửi của SVB chỉ là 42% và phần lớn tài sản của SVB nằm ở các trái phiếu và giấy tờ có giá phát hành bởi cơ quan chính phủ Mỹ. Chính vì cơ cấu tài sản này mà các chỉ số đảm bảo an toàn vốn của SVB thoạt nhìn đều rất an toàn (hình 1).
Trump & COVID ập đến - “trong phúc có họa
Khi tổng thống Donald Trump ký đạo luật để buông lỏng giám sát với các bank có mức tài sản nhỏ hơn 250 tỷ US$ vào năm 2018, SVB là đối tượng được hưởng lợi khi không còn tuân theo các quy định giám sát chặt chẽ theo đạo luật Dodd-Frank ký ở thời Obama. Nhờ đó, SVB được nới lỏng quy định về stress test, bao gồm stress test về thanh khoản và các ràng buộc về đảm bảo thanh khoản hơn trước.
Sau đó, SVB tiếp tục hưởng lợi từ đại dịch COVID và chính sách nới lỏng hết cỡ của FED. Tiền được chảy ồ ạt trên toàn cầu, và tìm đến các tài sản có tính rủi ro cao. Các quỹ VC nhận rất nhiều tiền và các startup mọc lên như nấm và SVB có thời kỳ hoàng kim vô cùng thuận lợi khi tài sản, tổng tiền gửi đều tăng vọt, còn lợi nhuận bùng nổ vào năm 2021 (hình 6).
SVB chuyển phần lớn số tiền này thành các loại giấy tờ có giá của chính phủ Mỹ. Phần tài sản này chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng tài sản của SVB cũng như so với lượng tiền gửi tại ngân hàng này đặc biệt là vào năm 2021 và 2022 (hình 3)
Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất siêu thấp của FED và không bị giám sát chặt chẽ, phần lớn các tài sản mà SVB mua là các trái phiếu có kỳ hạn rất dài (nhằm để hưởng mức lãi cao hơn). Tỷ trọng của phần giấy tờ có giá có kỳ hạn dài tăng lên đột biến trong 2 năm cuối cùng. Đó là mầm mống của khủng hoảng. (hình 4).
Theo nguyên tắc, kỳ hạn của các tài sản nợ càng dài, thì độ nhạy lãi suất càng cao. Vì vậy, khi chase yield, SVB đã chấp nhận rủi ro lãi suất rằng những trái phiếu dài hạn mình mua sẽ bị mất giá nhiều nhất nếu lãi suất đảo chiều.
Các tài sản mà SVB mua là rất an toàn, rủi ro vỡ nợ (default risk hay credit risk) là gần như bằng zero, và SVB sẽ nhận lại toàn bộ số tiền này + lãi nếu giữ đến đáo hạn. Tuy nhiên, những tài sản này được định giá bởi thị trường (mark-to-market) và giá của các giấy tờ này biến động ngược chiều với lãi suất.
Để tránh việc phải đánh giá lại các tài sản tài chính, trong năm 2021 – 2022, SVB để phần lớn trái phiếu dưới dạng “held-to-maturity” (giữ đến đáo hạn), còn phần available-for-sale (sẵn sàng để bán - AFS) chỉ chiếm tỷ trọng 22%. Nếu đọc kỹ BCTC 2022, thì chỉ cần đánh giá lại khoản mục giấy tờ giữ đến đáo hạn của SVB thì khoản lỗ sẽ là gần 16 tỷ US$ (tức là SVB sẽ gần như âm vốn chủ)!!!
Và vấn đề quan trọng nhất là: Nếu lãi suất tăng mà bank không cần bán giấy tờ có giá thì chưa cần ghi nhận lỗ trên BCTC. Nhưng do những giấy tờ có giá này được mua từ tiền gửi của khách hàng, nên khi khách hàng rút tiền ra, bank sẽ phải bán để trả lại tiền cho khách. Và khi đó khoản lỗ sẽ xuất hiện! Đó là kịch bản khiến SVB lâm nạn.

 

SILICON VALLEY BANK (SVB) phá sản – phần 2: FED tăng lãi suất và chuỗi domino đánh gục SVB và các bài học rút ra.
1. Chính sách thắt chặt của FED biến cơ may của SVB thành vận rủi
Khi lạm phát tăng vào cuối 2021, FED đảo ngược chính sách tiền tệ từ đầu năm 2022 sang thắt chặt và điều đó gây ra nhiều tổn thương đồng thời tới mô hình kinh doanh của SVB.
FED tăng lãi suất đẩy lợi suất trái phiếu trên thị trường làm giảm giá trị (mark-to-market) của các giấy tờ mà SVB nắm giữ (available-for-sale). Tất nhiên, những khoản lỗ trên giấy này sẽ không bị ghi nhận nếu chúng được giữ đến khi đáo hạn.
• Tuy nhiên, FED thắt chặt gây ra tâm lý risk-off trên toàn cầu. Khi van vốn bị thắt và tâm lý sợ rủi ro, tiền vào các quỹ VC giảm xuống. Hệ quả là mùa đông của các startup, khi họ không gọi được thêm vốn mới từ thị trường.
• Trong bối cảnh đó, SVB không nhận được thêm tiền gửi mới vì startup là đối tượng khách hàng chính của họ. Ngược lại, các startup còn phải rút dần tiền ra để chi trả cho hoạt động kinh doanh của mình. Điều này dẫn đến lượng tiền gửi tại SVB sụt giảm dần (mất 16 tỷ US$ trong năm 2022).
• Tình hình rút tiền của các startup lại tiếp tục diễn ra trong năm 2023 trong khi luồng tiền mới không có, SVB buộc phải bán các giấy tờ có giá của mình và ghi nhận lỗ khi lãi suất chỉ liên tục tăng trong năm 2022 - 2023. Cần nói thêm, vì các tài sản này đa số là dài hạn, nên việc phải bán trong bối cảnh lãi suất liên tục tăng cao khiến giá bán thấp hơn nhiều so với giá mua ban đầu.
Và trong bối cảnh thị trường đang rất mong manh, thì một tin tức xấu của bạn cũng sẽ tạo ra phản ứng vô cùng dữ dội.
• Ngày 08.03: SVB ra thông báo cần phát hành tăng vốn 1.75 tỷ US$ để bù đắp cho khoản thua lỗ từ việc bán trái phiếu của mình khi họ buộc phải bán 21 tỷ US$ tài sản để giải quyết vấn đề thanh khoản trong giao dịch với Goldman Sachs.
• Ngay khi mở cửa ngày 09.03: nhà đầu tư bán tháo làm giá cổ phiếu SVB sụt giảm 60%, và người gửi tiền lần lượt đến để yêu cầu rút 42 tỷ US$ chỉ trong 1 ngày khiến khoản mục tiền mặt của SVB bị âm gần 1 tỷ US$.
• Ngày 10.03: nhà chức trách California đóng cửa ngân hàng và yêu cầu công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang FDIC thu xếp việc trả tiền cho khách hàng.
2. Tóm lại những lý do đánh sập SVB là gì?
Thứ nhất là những nguyên nhân xuất phát từ yếu tố bên trong
• Quản trị rủi ro thanh khoản và rủi ro lãi suất có vấn đề
• Tài sản và tiền gửi tăng quá nhanh trong 2 năm COVID cũng góp phần khiến họ loay hoay .
• Đối tượng khách hàng: các startup rất rủng rỉnh trong thời kỳ COVID gửi tiền vào nhưng lại chính là những người hút dần thanh khoản của SVB sau giai đoạn FED tăng lãi suất.
• Cơ cấu các tài khoản gửi tiền tại SVB dẫn tới việc 94% số tiền sẽ không được bảo hiểm vì vượt xa con số tối đa 250,000 US$ mà công ty bảo hiểm tiền gửi Hoa Kỳ (FDIC) bồi thường. Tức là khi SVB phá sản, thì khách hàng sẽ bị thiệt hại rất lớn.
Thứ hai là những nguyên nhân từ phía chính quyền Mỹ
• Sự nới lỏng chính sách giám sát của Mỹ đối với các nhà băng nhỏ và trung bình, tạo điều kiện để SVB giảm bớt các ràng buộc và take risk nhiều hơn.
• Chính sách thắt chặt của FED dẫn tới dòng tiền gửi bị rút ra khỏi SVB trong bối cảnh giấy tờ có giá bị sụt giảm giá trị.
Tuy nhiên, kể cả hai nguyên nhân trên cũng không thể kéo sập một ngân hàng có 200 tỷ US$ tài sản chỉ trong 2 ngày. Điều quan trọng nhất là từ yếu tố tâm lý của nhà đầu tư và người gửi tiền tại SVB.
• Việc SVB ra thông tin thua lỗ và phải tăng vốn khiến nhà đầu tư bỗng dưng nhận ra rủi ro lớn tới từ việc các startup phải rút tiền – SVB phải hạch toán lỗ sẽ có thể tiếp diễn dài dài trong bối cảnh FED vẫn đang tăng lãi suất. Thế là giá cổ phiếu giảm 60% ngay từ lúc mở cửa ngày 09/03.
• Điều đó hẳn khiến các khách hàng của SVB mà đa phần là những startup thấy hoảng sợ. Cộng đồng này có tính kết nối với nhau rất cao. Khi có vấn đề xảy ra, họ ngay lập tức liên lạc với nhau để rút tiền.
• Vậy vì sao họ panic đến vậy? Trong bối cảnh kinh doanh đang khó khăn, nguồn vốn VC đang thiếu, công ty startup sẽ bị rút cạn oxy, nếu tài khoản ngân hàng bị đóng băng tạm thời. Tệ hơn nữa là số tiền này có thể bốc hơi phần lớn khi số tối đa người gửi tiền có thể nhận lại từ FDIC là US$ 250,000. Và tức là 94% số tiền sẽ không được bảo hiểm chi trả, mà phải chờ phát mại tài sản ngân hàng để thu hồi. Người gửi tiền thì có thể chờ, nhưng các startup không thể chờ vì nhân viên của họ, chi phí vận hành và sự tồn vong của họ phụ thuộc vào việc họ có lấy được tiền ra khỏi SVB ngay lập tức hay không.
• Và thế là, chỉ cần vài cuộc điện thoại, những dòng tweet trên mạng, những người gửi tiền tới và đòi rút 42 tỷ US$ từ SVB chỉ trong 1 ngày để dẫn tới sự sụp đổ của SVB. Hiệu ứng vòng xoáy tâm lý “self-fullfiling prophecy” này đã biến một tin xấu thành một chuỗi domino để gây ra sự sụp đổ của SVB.
3. KẾT LUẬN – những điều rút ra từ bài học SVB
• Quản trị rủi ro, nhất là rủi ro thanh khoản luôn quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ.
• “Don’t fight the FED” . Khi đặt cửa sai với xu hướng tăng lãi suất của FED thì hậu quả thật khó lường, cho dù là bạn có nắm giữ toàn các giấy tờ có giá của cơ quan chính phủ Mỹ.
• “The success carries the seed of failure” – khi “thành công là tiền đề cho thất bại”. Nếu không có COVID và sự tăng trưởng tiền gửi quá nhanh, chưa chắc SVB đã lâm vào tình cảnh như bây giờ.
• “Hãy tham lam khi người khác sợ hãi” như Warren Buffett thì giàu to, còn tham lam đuổi theo lợi suất bằng các trái phiếu kỳ hạn dài khi môi trường lãi suất đang ở đáy của lịch sử vào năm 2021 như SVB thì phá sản.
• Lịch sử luôn lặp lại, nhưng con người với trí nhớ ngắn hạn thì lại hay quên. Khi khủng hoảng tài chính 2008 xảy ra, Mỹ kiểm soát chặt rủi ro của các bank. Khi nỗi đau quá khứ qua đi, 10 năm sau họ nới lỏng các ràng buộc cho bank cỡ nhỏ và trung bình. Và thế là “nỗi đau lại lặp lại”.
• Vòng xoáy tâm lý và sức mạnh của cộng đồng mạng ngày càng khủng khiếp. Khi con người kết nối với nhau dễ dàng hơn trên không gian mạng, thì một nỗi sợ hãi trong tâm lý có thể được khuếch đại lên nhiều lần để rồi 42 tỷ US$ được rút ra khỏi SVB chỉ trong 1 ngày.